Trùm xăng giả Trịnh Sướng được giảm còn 11 năm tù

28/04/2023

“Ông trùm xăng giả” Trịnh Sướng được tòa phúc thẩm giảm từ 12 năm tù xuống còn 11 năm tù trong vụ mua bán và sản xuất hàng giả.

Ngày 27-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Trịnh Sướng (giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) và các đồng phạm trong vụ án mua bán và sản xuất hàng giả (xăng giả).

Nữ bị cáo kêu oan bị tăng hình phạt

HĐXX tuyên phạt Trịnh Sướng 11 năm tù, giảm một năm tù so với án sơ thẩm.

Các bị cáo Nguyễn Ngọc Quan bị tuyên phạt tám năm sáu tháng tù, Đinh Chí Dũng bảy năm sáu tháng tù, Hồ Thị Nhẫn và Hồ Xuân Cường cùng sáu năm tù (sơ thẩm là 5 năm sáu tháng tù), Nguyễn Thị Thu Hòa bảy năm tù, Nguyễn Văn Hướng năm năm tù, Mai Trung Hậu bốn năm tù, Nguyễn Mạnh Tiến và Phạm Hồng Quang cùng năm năm ba tháng tù…

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2,5 năm tù đến ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.

'Trùm xăng giả' Trịnh Sướng được giảm còn 11 năm tù ảnh 1

Hình ảnh Bị cáo Trịnh Sướng tại phiên tòa phúc thẩm.

Bản án cũng yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành kê biên đối với các doanh nghiệp liên quan đến hành vi mua bán, sản xuất xăng giả, trong đó có Công ty TNHH Mỹ Hưng (tại tỉnh Sóc Trăng) do Trịnh Sướng làm giám đốc.

Theo HĐXX, vừa qua viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông có văn bản kháng nghị một phần đối với bản án của tòa cấp sơ thẩm, trong đó đề nghị tăng hình phạt đối với một số bị cáo. Có 30 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Các luật sư cho rằng bị cáo Hòa không phạm tội và bị cáo không biết, cũng không có trách nhiệm việc các doanh nghiệp mua bán dung môi của mình có sử dụng vào hoạt động phạm tội hay không.

Từ tháng 1-2017 đến tháng 5-2019, bị cáo Hòa mua vào 153 triệu lít hóa chất, dung môi từ nhiều doanh nghiệp. Sau đó, Hòa bán cho Hướng, Quang, Hoàng Thụy Minh Việt dù biết những bị cáo này làm xăng giả.

Trong khi đó, dung môi, hóa chất này chỉ được Nhà nước cho kinh doanh trong công nghiệp như pha sơn, tẩy… nhưng sử dụng hạn chế. Trong Điều 6 của hợp đồng mua bán cũng có đề cập đến vấn đề là để bên bán không trốn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

“Vì vậy, có thể khẳng định bị cáo Hòa biết rất rõ việc bán dung môi là cấm, là để pha xăng giả. Bị cáo nói rằng không biết và oan là không có căn cứ. Xét hành vi của bị cáo Hòa không thành khẩn khai báo, chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo Hòa là có căn cứ” - HĐXX nhận định.

Sản xuất, bán xăng giả, thu lợi bất chính

Vẫn theo HĐXX, các luật sư cũng tranh luận và có nhiều quan điểm, viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để tranh luận lại với đại diện VKS.

Trong đó, các luật sư nêu quan điểm truy tố xét xử các bị cáo chưa đủ căn cứ, quy tội theo hướng quy buộc, suy diễn; không xác định được số lượng hàng giả là bao nhiêu, chủ yếu căn cứ vào sổ sách, chứng từ hợp pháp của doanh nghiệp mua bán để quy kết số lượng xăng dầu giả các bị cáo đã bán ra thị trường. Cách tính khoản tiền thu lợi bất chính cũng sai. Không có căn cứ để xác định các bị cáo phạm tội nhiều lần…

HĐXX nhận định căn cứ các chứng cứ có tại hồ sơ, lời khai của các bị cáo, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội là có cơ sở và không oan.

Cụ thể, các doanh nghiệp biết cách pha chế xăng các loại dung môi naphtha, solmix, orgasol, BMSol white, BMSol petro với xăng chính hãng A95, A92, E5 RON 92 và hóa chất tăng RON như toluel, MTBE, xylene, ethanol cùng hỗn hợp màu azo để tạo thành xăng A95, A92 và E5 RON 92 giả bán ra thị trường sẽ thu được lợi nhuận cao hơn buôn bán xăng dầu chính hãng.

Từ đó, Trịnh Sướng, Nguyễn Ngọc Quan, Đinh Chí Dũng đã mua dung môi, hóa chất pha với xăng chính hãng để làm xăng giả (trên) bán ra thị trường, chủ yếu bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Xuân Cường, Lưu Văn Nguyện, Nguyễn Thị Kim Loan, Hồ Thị Nhẫn… biết Trịnh Sướng, Nguyễn Ngọc Quan mua dung môi, hóa chất về làm xăng giả nhưng vẫn bán. “Hành vi của các bị cáo trên phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thu lợi bất chính” - HĐXX nhận định.

HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của Trịnh Sướng, Mai Trung Hậu, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trương Như Tuyết, Lưu Văn Nguyện; chấp nhận một phần kháng nghị của viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông đối với việc tăng hình phạt đối với bị cáo Hòa…

Nguồn cung cấp dung môi để sản xuất xăng giả

Theo cơ quan điều tra, nguồn dung môi trong vụ án này chủ yếu do Công ty Phạm Sơn (do Nguyễn Thị Thu Hòa làm phó giám đốc) và Công ty CP Dầu khí Bình Minh (do Lưu Văn Nguyên làm chủ tịch HĐQT) cung cấp.

Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã tổ chức sản xuất, buôn bán xăng giả theo từng nhóm riêng lẻ do Trịnh Sướng, Nguyễn Ngọc Quan (giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Tâm Quan, trụ sở tại TP.HCM), Đinh Chí Dũng (giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng, tại TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu. Quy mô sản xuất cũng khác nhau và sản xuất trên địa bàn các tỉnh/thành Đắk Nông, Đồng Nai, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP.HCM và Cần Thơ.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến 30-5-2019, Trịnh Sướng đã thông qua Mai Trung Hậu (nhà phân phối Thành Long), Hồ Xuân Cường (Công ty TNHH Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Hồng Thủy (cửa hàng sơn Gia Hưng Phát) để mua dung môi của Công ty CP Dầu khí Bình Minh.

Sau đó, Trịnh Sướng tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 102 tỉ đồng.

Vũ Long
Theo Báo Pháp luật