Khởi tố tréo ngoe từ hành vi dựng chòi nuôi vịt sang tội về nhà ở
Ông Nguyễn Văn Bỉ (ngụ huyện Bình Chánh, TP. HCM) - người có quyền sử dụng 3.661m2 đất nông nghiệp (đã cho anh Nguyễn Văn Tấn thuê một phần mở quán Xin Chào, người vừa bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép gân xôn xao dư luận) đã bị xử lý hình sự do dựng chòi nuôi vịt. Ông Bỉ bị Trưởng Công an huyện Bình Chánh ra Quyết định khởi tố ngày 19/1/2016 với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” qui định tại Điều 270 Bộ luật hình sự.
Hành vi của ông Bỉ diễn ra như sau: Tháng 7/2015 chòi nuôi vịt bị sập, ông đã mua cây dựng lại chòi với quy mô rộng hơn, có diện tích khoảng 80m² nên xử phạt vi phạm hành chính và buộc cưỡng chế tháo dỡ. Ông đã thực hiện nộp phạt và tháo dỡ theo yêu cầu. Ba tháng sau, ông lại dựng chòi trở lại để có chỗ trông coi vịt, diện tích chòi lần này chỉ 35m² và ông bị lập biên bản ghi kết cấu cột cây, vách lá, mái lá, sau đó chuyển sang xử lý hình sự.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, Tội vi phạm quy định về quản lý nhà ở, được qui định tại Điều 270 BLHS “Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, mang ra áp dụng với trường hợp ông Bỉ là tréo ngoe.
Luật sư Trần Đình Dũng phân tích: Khi đọc điều luật, chúng ta nhận ra ngay tại tiêu đề tội danh, khách thể xâm phạm mà nhà lập pháp đề cập đến là quản lý nhà ở. Nên nếu chủ thể vi phạm nhà khác (với ông Bỉ là nhà nuôi vịt) không phải nhà ở thì không thể nói họ phạm vào Điều 270 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009 - Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Đó chính là nguyên tắc xử lý đúng người đúng tội trong tố tụng hình sự.
Vấn đề đặt ra, pháp luật định danh như thế nào là nhà ở? Chòi vịt có được xem là nhà ở hay không? Khoản 1 Điều 3 Luật nhà ở năm 2014 (cũng như trước đó Điều 1 Luật nhà ở năm 2005) định nghĩa “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”. Khái niệm nhà ở theo qui định tại Luật nhà ở được áp dung chung toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia. Khi xử lý hình sự đối với Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở cũng phải xem xét theo khái niệm này để phân biệt nhà ở và nhà khác, không thể tùy tiện xem chòi vịt là nhà ở rồi khởi tố người chưa vi phạm pháp luật hình sự.
Rõ ràng chòi vịt không phải công trình xây dựng với mục đích để ở, cũng không phải phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (như nhà tắm, nhà cầu, nhà hóng mát…). Mà chòi vịt là công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi vịt. Công trình loại này được phép xây dựng trên đất nông nghiệp nếu đất chưa bị qui hoạch chuyển mục đích khác mà không cần cơ quan nhà nước cấp giấy phép.
Thực trạng lạm quyền
Đứng ở góc độ người bị khởi tố oan mới thấy hết những nỗi đau khổ mà họ gánh chịu, có trường hợp cả gia đình rơi vào cảnh tan tác. Anh Nguyễn Văn Tấn quán Xin Chào cho biết, khi nhận tin mình bị khởi tố anh choáng váng không đứng lên nổi. Ông Nguyễn Văn Bỉ - chủ đất bị khởi tố bức xúc, mẹ tôi nghe tin đã nằm bệnh không ra khỏi giường.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cho rằng hai vụ này chỉ là bề nổi vừa “bị xì ra” công luận. Hàng loạt ý kiến hồ nghi còn không ít vụ tương tự trên địa bàn TP. HCM nói riêng và ở nhiều tỉnh thành nói chung. Việc khởi tố lạm quyền không chỉ thể hiện sự tùy tiện trong áp dụng luật mà còn thể hiện sự coi thường sinh mệnh tù tội của người dân.
Trong một số nguyên nhân gây nên tình trạng lạm quyền, Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, việc qui định trách nhiệm của kiểm sát viên quá nhẹ mà phần lớn trách nhiệm thuộc về lãnh đạo viện kiểm sát. Trong khi, thực tế các vụ án hình sự kiểm sát viên gần như làm hết hồ sơ còn lãnh đạo chỉ ký.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực hình sự này còn lưu ý: Nền pháp luật của chúng ta trao quyền quá lớn cho cơ quan công an là một nguyên nhân không kém quan trọng gây nên thực trạng lạm quyền. Ở nhiều nước cơ cấu điều tra hình sự phải có ý kiến của thẩm phán ngay từ lúc bắt đầu xem xét hồ sơ khởi tố. Điều này đặc biệt hạn chế oan sai.
Hai vụ án quán Xin Chào và Chòi nuôi Vịt là một điểm nhánh đúng lúc xã hội cần gióng lên hồi chuông báo động thực trạng lạm quyền trong ngành tư pháp.