Vụ Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh Lê Nguyễn Hưng rút ruột tài khoản 245 tỷ của khách hàng Chu Thị Bình, bỏ trốn ra nước ngoài gây xôn xao dư luận. Số tiền này liệu phía Eximbank có phải trả lại ngay cho khách hàng hay phải đợi đến khi bắt được nghi can mới giải quyết?. Tieudung.vn có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội luật gia Việt Nam) xung quanh vấn đề bạn đọc đặc biệt quan tâm này.
PV: Khách hàng gửi tiền cho ngân hàng, bị nhân viên ngân hàng rút tiền rồi bỏ trốn và dẫn đến khách hàng mất tiền. Luật sự có ý kiến như thế nào về câu chuyện nghe thấy “oan uổng” xảy ra tại Eximbank đang làm xôn xao dư luận?
Luật sư Trần Đình Dũng: Chỉ nói sơ vài câu tóm lược đại ý câu chuyện thì đúng là nghe rất oan uổng cho người có tiền mang tới ngân hàng gửi tiết kiệm. Nhưng mỗi sự việc đều có rất nhiều tình tiết bên trong và chính những tình tiết này nhiều khi nó làm khác đi bản chất quan hệ pháp luật.
Theo thông tin trên báo chí, khách hàng này có ủy quyền cho người khác để giao dịch (nhưng phần người được ủy quyền để trống) và giao văn bản ủy quyền cho ông Lê Nguyễn Hưng và ông Hưng dùng văn bản này để rút tiền. Ngoài ra còn có tình tiết khách hàng ký khống trên chứng từ.
Ở đây chúng ta cần lưu ý, nếu đã ủy quyền và qui trình giao dịch tại ngân hàng mà không sai thì ngân hàng không phải chịu trách nhiệm về giao dịch rút tiền. Ông Lê Nguyễn Hưng trong trường hợp này vừa là người của ngân hàng thực hiện công việc do tổ chức ngân hàng giao nhưng cũng là người được khách hàng ủy quyền bằng hình thức giao văn bản ủy quyền để trống tên người được ủy quyền. Hành vi xảy ra liên quan tới tư cách nào thì pháp luật điều chỉnh với mối quan hệ của tư cách đó.
PV: Phía Ngân hàng Eximbank cũng ban hành nghị quyết cam kết trả tiền cho bà Bình nhưng phải chờ sau khi có phán quyết của tòa án. Vấn đề này luật qui định như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Quan hệ giữa khách hàng gửi tiền, vay tiền với ngân hàng là giao dịch dân sự. Khi có vướng mắc các bên đều có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ bằng một phán quyết có hiệu lực pháp luật. Tôi cho rằng, phía Eximbank thông báo chờ tòa án xử lý hình sựông Lê Nguyễn Hưng để xác định nghĩa vụ thì mới hoàn trả tiền cho khách hàng là không trái qui định pháp luật, phù hợp với nguyên tắc chỉ bồi thường thiệt hại khi gây ra thiệt hại hoặc liên đới bồi thường theo tinh thần Điều 584 và Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.
PV: Nếu quá trình truy nã ông Lê Nguyễn Hưng kéo dài nhiều năm vẫn chưa bắt được để giải quyết thì quyền lợi của khách hàng giải quyết ra sao?
Luật sư Trần Đình Dũng: Sau khi không xác định được bị can ở đâu thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án (trừ trường hợp vụ án có nhiều bị can) và ra quyết định truy nã theo qui định tại Điều 299 Bô luật tố tụng hình sự 2015. Thời hạn truy nã trong thực tế kéo dài có khi đến vài chục năm. Nên việc chờ có phán quyết của tòa án cũng theo đó mà kéo dài.
Thông tin báo chí hiện nay cho thấy ông Lê Nguyễn Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài, không xác định được thời hạn nào có thể bắt giữ về Việt Nam để tiếp tục điều tra xử lý.
Cần lưu ý là phía khách hàng cũng có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu Eximbank chi trả tiền. Nhưng trong thực tế áp dụng pháp luật, điều này không còn ý nghĩa bởi tòa dân sư sau khi thụ lý cũng sẽ tạm đình chủ vụ án hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra.
Hành vi ủy quyền trong giao dịch tiền tệ chịu rất nhiều rủi ro. Trường hợp khách hàng trong vụ Eximbank này là bài học đau đớn cho hành vi ủy quyền.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
(Bài đăng trên báo Tiêu dùng: http://tieudung.vn/bao-ve-ntd/vu-mat-245-ty-o-eximbank:-bai-hoc-dau-don-cho-hanh-vi-uy-quyen-trong-giao-dich-ngan-hang-23711.html)